top of page
Admin

Biển Đông: VN tập trận bắn đạn thật ở Trường Sa để 'tỏ thái độ' với TQ?

Đã cập nhật: 16 thg 12, 2022


Mỹ Hằng - BBC News Tiếng Việt

16 tháng 4 2021


Tuần qua, Việt Nam đã đưa tàu khu trục 016 Quang Trung và trực thăng chống tàu ngầm ra gần khu vực đảo Trường Sa để tập trận, thông tin được VnExpress đăng tải ngày 7/4.


Cuộc tập trận của Việt Nam trên Biển Đông diễn ra trong bối cảnh hàng trăm tàu cá Trung Quốc tập trung ở Đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.


Đài Truyền hình Việt Nam cho biết thêm: "Trên quần đảo Trường Sa, công tác chuẩn bị chiến đấu đang ở mức cao nhất".


Trả lời BBC News Tiếng Việt về diễn biến nói trên, TS Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (ISCS) nói: "Chính phủ Việt Nam muốn gửi đi một thông điệp lớn lao hơn nhiều: khẳng định Việt Nam có hoàn toàn chủ quyền đối với khu vực quần đảo Trường Sa".


Việt Nam 'tỏ thái độ' với Trung Quốc?


Khinh hạm 016 Quang Trung, được trang bị tên lửa, được sử dụng để chống tàu ngầm và các tàu chiến khác, hiện đang ở Trường Sa, VnExpress cho biết.


Cùng lúc đó, trực thăng Ka-28 của Việt Nam thực hiện diễn tập hạ cánh khẩn cấp.


Cũng thời điểm này, Trung Quốc tiếp tục điều hơn 200 tàu dân quân biển ra sát khu vực Đá Kennen và Đá Gaven hôm 11/4, trong khi tại Đá Ba Đầu chỉ còn lại 9 thuyền, theo AFP.


Vụ việc đã khiến tình hình vốn đã căng thẳng trên Biển Đông trở nên nóng bỏng hơn.


Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố vụ tàu dân quân Trung Quốc tập trung ở Đá Ba Đầu là hành động 'xâm phạm nghiêm chủ quyền Việt Nam'. Trong khi Philippines cử máy bay do thám tới khu vực có tàu cá của Trung Quốc, đồng thời cho triệu hồi đại sứ Trung Quốc.

Một số báo quốc tế sau đó đăng thông tin vụ tập trận của Việt Nam kèm câu hỏi có phải Việt Nam đang 'tỏ thái độ' với Trung Quốc hay không?


Trang Express của Anh nhận định rằng Việt Nam cử tàu chiến đến khu vực đảo Trường Sa tập trận là để "trả đũa các tuyên bố hung hăng của Bắc Kinh đối với Biển Đông", và cũng để " đáp trả" các tàu dân quân của Trung Quốc xâm phạm vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.


"Một trong những tàu tuần duyên của Việt Nam đang neo đậu tại Đá Ba Đầu để theo dõi gần 220 tàu "dân quân" của Trung Quốc đang hoạt động trong khu vực," tờ Express viết thêm.


Trang News của Australia viết rằng Việt Nam "Việt Nam sẵn sàng tác chiến trên Biển Đông khi tàu Trung Quốc tràn vào khu vực".


"Trung Quốc điều động tàu tên lửa. Philippines đưa máy bay tới. Nhưng một nước khác đang triển khai quân đội để đưa ra yêu sách trên Biển Đông - Việt Nam," bài báo trên News mô tả.


"Khi "lực lượng tàu cá dân quân" của Bắc Kinh di chuyển trên quần đảo Trường Sa và Manila cử máy bay trinh sát đến quan sát, Hà Nội đã điều một tàu chiến của họ tiến hành "diễn tập chiến đấu" gần đó," vẫn theo News.


"Khinh hạm chống ngầm hiện đại Quang Trung và máy bay trực thăng đã diễn tập trước mắt Trung Quốc và các nhóm tàu được quân sự hóa tối đa của nước này," trang News viết.


CNN gần đây mô tả các tàu cá của Trung Quốc ở Biển Đông đang là một 'lực lượng hải quân' (Navy) mà thế giới chưa biết tới.


'Gửi đi thông điệp lớn hơn'

Tuy nhiên ông Nguyễn Thành Trung cho rằng việc Việt Nam tập trận ở khu vực này là một chuyện bình thường, và việc đưa tàu Quang Trung tới Biển Đông vào thời điểm này gửi đi một thông điệp lớn hơn nhiều.


Ông Trung nói với BBC:


"Sự việc tàu hộ vệ tên lửa 016 Quang Trung lớp Gepard tập trận bắn đạn thật ở khu vực quần đảo Trường Sa trong bối cảnh hàng trăm tàu cá Trung Quốc mà nhiều chuyên gia tin là tàu dân quân biển neo đậu không chịu di chuyển ở đá Ba Đầu, và sau đó đá Ken Na thuộc cụm Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa dễ dẫn đến một số suy đoán về động cơ của Việt Nam."


"Mặc dù thời điểm có thể tạo ra suy đoán rằng Việt Nam muốn "tỏ thái độ" với Trung Quốc, nhưng tôi cho rằng thông điệp lớn hơn nhiều. Chính phủ Việt Nam muốn khẳng định Việt Nam có hoàn toàn chủ quyền đối với khu vực quần đảo Trường Sa và việc tập trận ở khu vực này là một chuyện bình thường. Câu chuyện muốn "tỏ thái độ" không hài lòng chỉ với một tàu hộ vệ tên lửa thì nhiều khi lại chuyển sai thông điệp."


"Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ không quan tâm nhiều tới việc tập trận của tàu hộ vệ tện lửa Quang Trung bởi vì Trung Quốc nhiều lần tập trận ở biển Đông trong thời gian qua."


"Trong năm 2020, Trung Quốc và Mỹ đã nhiều lần tập trận quy mô lớn ở khu vực biển Đông với sự tham gia của tàu hàng không mẫu hạm để nhằm thị uy sức mạnh trong việc triển khai sức mạnh."


"Mỹ thậm chí tổ chức nhiều cuộc tập trận ở khu vực biển Đông có sự tham gia của các quốc gia đồng minh như Nhật, Úc và cả đối tác thân thiết như Singapore."


"Hai bên sử dụng tập trận như là cách để cho bên kia thấy sự vượt trội về sức mạnh hải, không quân của mình, còn việc thao diễn chỉ là phụ."


"Do đó, nếu nói về tập trận của Việt Nam ở khu vực biển Đông thì tôi không cho rằng Trung Quốc sẽ đẩy căng thẳng với Việt Nam lên cao lần này khi quy mô tập trận của Việt Nam là tương đối nhỏ."


"Ngoài ra, Trung Quốc cũng không muốn đẩy Việt Nam tham gia vào một liên minh quân sự Mỹ-Philippines được hâm nóng trong vài tuần gần đây với sự kiện Đá Ba Đầu."


Ảnh chụp từ trên không của đá Ba Đầu, Quần đảo Trường Sa, Biển Đông ngày 19/3/2021


"Trung Quốc sẽ bị thiệt hại về chiến lược nếu đẩy căng thẳng ở biển Đông lên cao vào thời điểm này, khi một số quốc gia ngoài khu vực như Úc, Pháp, Đức, Anh, Nhật cũng muốn tham gia cùng Mỹ duy trì luật lệ quốc tế ở khu vực biển Đông."


"Tôi cũng cho rằng Việt Nam vẫn giữ chính sách nhất quán của mình đối với chủ quyền ở khu vực biển Đông, nhưng vẫn áp dụng chính sách mềm dẻo với Trung Quốc hơn là một chính sách đối đầu mang tính cứng rắn trong tương lai."


Khinh hạm Quang Trung có gì đặc biệt?


016 Quang Trung, khinh hạm lớp Gepard, được đưa vào biên chế năm 2018, mang rất nhiều vũ khí hiện đại của Nga và công nghệ ngụy trang như sơn hấp thụ radar.


Philippines công bố hình ảnh tàu Trung Quốc neo tại một bãi đá ngầm ngày 7/3


Vũ khí chính của khinh hạm này bao gồm tám tên lửa 3M24E với tầm bắn 130 km, một súng AK-176MA và các tổ hợp súng tên lửa khác. Khinh hạm 016 Quang Trung cũng có khả năng chở một máy bay trực thăng Ka-28 cho tác chiến chống tàu ngầm.


Vỏ tàu và cấu trúc thượng tầng được xây dựng chủ yếu bằng thép. Vỏ tàu được chia thành 10 khoang kín nước. Con tàu được thiết kế để có thể nổi ngay cả khi hai khoang cạnh nhau bị ngập nước.

Các tàu này có khả năng sử dụng các hệ thống vũ khí của mình trong điều kiện lên đến Trạng thái Biển 5, theo NavyRecognition.


Các căng thẳng khu vực Biển Đông đang được nhiều quốc gia khác chú ý.


Ngoài Đức, Pháp nay có Anh Quốc cũng muốn có sự hiện diện ở vùng biển này nhằm đề cao nguyên tắc tự do hàng hải như một hình thức "nhắc nhở Trung Quốc".


Các báo Anh hôm 15/04 trích nguồn Bộ Quốc phòng và Hải quân Hoàng gia cho hay tới đây, hàng không mẫu hạm mới nhất của Anh, chiếc HMS Elizabeth sắp có chuyến hải hành đầu tiên sang châu Á.


Bộ đội VN trên đảo Sơn Ca, quần đảo Trường Sa


Dự kiến, con tàu sẽ qua Ấn Độ Dương, Singapore, Biển Đông để đi lên Đông Bắc Á và kết thúc chuyến đi bằng cuộc diễn tập với hải quân Nhật Bản.


Comentarios


bottom of page