Gần giữa tháng 4/2021, khi 1 tàu sân bay Trung Quốc tiến vào Biển Đông, và 1 nhóm chiến hạm viễn chinh của Hải quân Mỹ kết thúc tập trận, vùng biển này trở nên “bận rộn” khác thường.
Trong khi nhóm chiến hạm Mỹ do tàu sân bay USS Roosevelt dẫn đầu từ hướng Nam đi lên Biển Đông, nhóm tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đi xuống vùng biển này từ hướng Bắc. Những tàu này xuất hiện vài ngày sau khi Philippines phản ứng gay gắt về sự hiện diện của hàng trăm tàu dân quân biển Trung Quốc ở đá Ba Đầu.
Biển Đông nóng lên không chỉ bởi sự xuất hiện của các tàu chiến Mỹ, Trung mà còn bởi cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Philippines.
Trung tướng Cirilito Sobejana,Tư lệnh quân đội Philippines, cho biết ngày 12/4/2021, hơn 1.700 binh sĩ Mỹ và Philippines đã bắt đầu các cuộc tập trận quân sự kéo dài 2 tuần, ưu tiên là kiểm tra khả năng sẵn sàng trong việc ứng phó với các sự kiện như các cuộc tấn công của lực lượng cực đoan và thảm họa thiên nhiên.
Theo tuyên bố của Lầu Năm Góc, cuộc tập trận diễn ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 11/4/2021 đề xuất với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines tăng cường các biện pháp nhằm làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa quân đội 2 nước. Các đề xuất bao gồm cách thức để "nâng cao nhận thức về các mối đe dọa ở Biển Đông".
Ngày 9/4/2021, ba tàu đổ bộ trong Nhóm tác chiến sẵn sàng đổ bộ USS Makin Island của Mỹ đã tập trận chung cùng nhóm tác chiếc tàu sân bay USS Theodore Roosevelt ở vùng biển quốc tế trong khu vực Biển Đông. Phó đô đốc Stewart Bateshansky thuộc Hải đội đổ bộ số 3 khẳng định, sự có mặt của nhóm tàu tác chiến sẵn sàng đổ bộ USS Makin Island cùng các đơn vị viễn chinh là để "ứng phó với mọi tình huống bất trắc, ngăn chặn hành động xâm lược".
"Vùng xám" để "cướp" đá Ba Đầu
Tình hình căng thẳng tại đá Ba Đầu vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Ngày 11/4/2021, Bộ Quốc phòng Philippines cho biết vẫn còn 32 tàu dân quân Trung Quốc neo đậu dù họ liên tục yêu cầu Trung Quốc rút các tàu ra khỏi đây. Một số nhà phân tích báo động Bắc Kinh đang có dấu hiệu sử dụng chiến thuật vùng xám để “cướp” đá Ba Đầu.
Bắc Kinh từ lâu đã có ý định độc chiếm Biển Đông thành “ao nhà”. Dù không có cơ sở pháp lý nhưng Trung Quốc vẫn cố ý đưa ra cái gọi là yêu sách đường 9 đoạn, bao trùm gần hết Biển Đông.
Bị nhiều quốc gia phản đối, Trung Quốc sử dụng chiến lược “tằm ăn dâu”, bằng cách từng bước làm thay đổi nguyên trạng, như bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa các đảo mà nước này đã chiếm đóng bất hợp pháp ở Biển Đông trước đây.
Trung Quốc cũng tìm cách thay đổi nguyên trạng bằng cách thực hiện các chiến dịch có thể được miêu tả là “chiến tranh hỗn hợp”: Tiến hành các chiến dịch làm thay đổi nguyên trạng nhưng lại không bao giờ tiến đến ngưỡng có thể gây ra xung đột. Do đó, các nước trong khu vực khó có thể đơn phương đối đầu.
Bắc Kinh thường xuyên sử dụng lực lượng “dân quân biển” để tăng cường sự hiện diện bất hợp pháp của mình. Lực lượng này được cho là trực thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc, nhưng lại không phải là Hải quân hay Hải cảnh.
Sử dụng lực lượng dân quân biển, đó cách là buộc các nước khác hoặc không làm gì hết, hoặc phải bước vào leo thang căng thẳng. Qua đó, Trung Quốc có thể cân nhắc hoặc tìm cách để biến Philippines thành bên điều lực lượng cảnh sát biển hay hải quân đến trước và như vậy phải chịu trách nhiệm về leo thang chính trị, thậm chí là leo thang quân sự.
Chiến thuật này là sự lặp lại của những gì Trung Quốc đã làm trong lịch sử ở khu vực đảo Thị Tứ trong mấy năm gần đây.
Họ đã sử dụng cả trăm tàu dân quân biển để bao vây khu vực này, không đánh bắt nhưng cứ neo đậu ở đó để “tạo quyền kiểm soát trên thực tế”, đồng thời xua đuổi tàu thuyền nước khác, đặc biệt là của các nước có tuyên bố chủ quyền trong khu vực.
Chiến thuật này đặc biệt hiệu quả đối với trường hợp bãi cạn Scarborough và trên thực tế, Trung Quốc đã chiếm đoạt thực thể này từ năm 2012.
Khi Philippines thắng kiện tại Tòa Trọng tài ở La Hay vào năm 2016, Tổng thống Rodrigo Duterte đã không gây sức ép với Trung Quốc. Điều này khiến ông bị những người theo chủ nghĩa dân tộc chỉ trích là đánh đổi lãnh thổ quốc gia để lấy những khoản đầu tư của Trung Quốc. Lập trường đó của ông Duterte đã buộc phải thay đổi sau khi các tàu Trung Quốc bao vây xung quanh khu vực đá Ba Đầu, khiến dư luận Philippines trở nên giận dữ.
Quốc tế hoá tình hình
Chiến lược mà Manila áp dụng gần đây là quốc tế hóa tình hình, truyền đạt rộng rãi nhất có thể bằng cách xác định những gì đang xảy ra, tố cáo những gì Trung Quốc đang làm và mời Mỹ cũng như những nước khác lên tiếng về tình hình trong khu vực.
Để bày tỏ mối quan ngại và trấn an đồng minh, ngày 28/3/2021, Mỹ ra tuyên bố khẳng định sẽ sát cánh với các đồng minh để duy trì trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc.
Tuyên bố nhắc nhở Trung Quốc rằng, một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào các lực lượng vũ trang, tàu thuyền hoặc máy bay của Philippines ở Thái Bình Dương, bao gồm cả Biển Đông, có thể buộc Washington phải can dự theo Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Philippines.
Do đó, Mỹ nhắc nhở Trung Quốc rằng họ nên tôn trọng phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài theo UNCLOS, vì đây là phán quyết cuối cùng và có tính ràng buộc về mặt pháp lý đối với tất cả các bên.
Tương tự, Đại sứ Nhật Bản tại Philippines Koshikawa Kazuhiko cũng nhận xét rằng vấn đề Biển Đông liên quan trực tiếp đến hòa bình và ổn định, và là mối quan tâm của tất cả các bên.
Ông nói thêm: “Nhật Bản cực lực phản đối bất kỳ hành động nào làm gia tăng căng thẳng. Chúng tôi ủng hộ việc thực thi pháp quyền ở biển và hợp tác với cộng đồng quốc tế để bảo vệ các vùng biển tự do, rộng mở và hòa bình”.
Đại sứ Australia tại Philippines Steven Robinson cũng bày tỏ mối quan ngại tương tự khi tuyên bố rằng các hành động gây bất ổn có thể khiến tình hình khu vực leo thang.
Ông nhắc nhở các bên liên quan rằng Australia ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương an toàn, cởi mở và bao trùm, và Biển Đông - một tuyến hàng hải quốc tế quan trọng - đang được quản lý theo các quy tắc và chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển.
Ấn Độ trong nhiều trường hợp cũng đã thể hiện các quan điểm tương tự.
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. ngày 10/4/2021 viết trên Twitter rằng ông sẽ làm việc để bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào tàu dân sự Philippines sẽ kích hoạt cơ chế viện trợ phòng thủ lẫn nhau.
Bình luận của ông được đưa ra sau khi một nhóm thủy thủ Philippines nói rằng tuần trước thuyền của họ đã bị các tàu của Trung Quốc truy đuổi khi họ đến gần bãi Cỏ Mây thuộc Trường Sa.
Một số chuyên gia cho rằng để đối phó hiệu quả với những chiến thuật này của Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á có chủ quyền tại Biển Đông như Philippines cần sớm đưa các vi phạm của Trung Quốc ra công luận quốc tế, đồng thời kiên trì đấu tranh ngay tại khu vực xảy ra xung đột.
Việc kiên trì duy trì sự hiện diện tại thực địa đóng một vai trò quan trọng. Mỹ và Philippines đã từng có kinh nghiệm đau thương trong việc để Trung Quốc thành công chiếm Scarborough năm 2012.
20/04/2021
Hoàng Việt
Giảng viên Đại học luật TP.HCM,
Thành viên Ban nghiên cứu luật biển và hải đảo,
Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Comments